Xúc tiến đầu tư

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GDP năm 2021 có thể tăng 3,5 - 4% nếu dịch bệnh được kiểm soát

Dự báo này thấp hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay, nhưng để đạt được mức này cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cả địa phương.

Nhận định này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi Bắc Bộ diễn ra sáng nay, 14/9.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bức tranh kinh tế vĩ mô cả năm 2021 phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. “Nếu kiểm soát tốt trong tháng 9 và bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới vào quý IV, dự báo GDP năm nay có thể tăng 3,5 đến 4%”, ông nói.

Ông nhấn mạnh, mặc dù mức dự báo này thấp hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay, nhưng để đạt được đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cả địa phương.

Tuy dự báo tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đó là con số khá ấn tượng trong bối cảnh thế giới hiện nay. Cơ sở để đưa ra dự báo này, theo Bộ trưởng, đến từ xuất khẩu năm nay của Việt Nam có thể tăng 10% và thu ngân sách có thể vượt dự toán.

Theo Bộ trưởng, giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, tình hình lao động - việc làm. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ cho công tác chống dịch lớn, ảnh hưởng đến thu - chi ngân sách. Dịch cũng ảnh hưởng đến tình hình thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI.

Dự báo về kinh tế năm 2022, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây sẽ là năm có nhiều yếu tố mới, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. “Khả năng dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp, khó lường, nhiều nước trên thế giới chấp nhận sống chung với đại dịch. Tại Việt Nam, nếu cứ phong tỏa, giãn cách sẽ để lại hậu quả rất nặng nề, không chỉ vấn đề kinh tế mà còn xã hội”, ông phân tích.

Ông nhận định, kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi trong năm 2022, dù đà phục hồi chậm hơn dự báo trước đây và không đồng đều giữa các nước. Nước nào có độ phủ tiêm chủng lớn và nhanh thì có thể mở cửa sớm và có thể phục hồi tăng trưởng. Trật tự thương mại, cơ cấu đầu tư chắc chắn có sự thay đổi và chuyển dịch, kể cả chuỗi sản xuất và cung ứng, tác động đến Việt Nam. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy xu thế chuyển đổi số, nhanh hơn, mạnh hơn, tác động lớn đến nền kinh tế. "Vì thế, cần xác định các cơ hội để tận dụng và hạn chế rủi ro”, ông nhận định.

Tại Việt Nam, một số cơ quan phân tích và dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%. Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, xây dựng để chuẩn bị trình các cơ quan liên quan.

Về dài hạn, Bộ trưởng lưu ý, quan điểm chỉ đạo là bám sát vào quan điểm phát triển KTXH của Đại hội Đảng lần thứ XIII, quyết liệt phòng chống dịch, không để bùng phát trở lại, đặt tính mạng sức khỏe của người dân lên hàng đầu, không để xảy ra khủng hoảng y tế, văn hóa, xã hội, kinh tế.

“Thế giới thay đổi rất nhanh, nếu không xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ và thích ứng thì chúng ta sẽ bị động bất ngờ. Dịch bệnh có thể diễn biến kéo dài, chưa nói đến đối mặt với thiên tai”, ông nhấn mạnh.

GDP năm 2021 có thể tăng 3,5 - 4% nếu dịch bệnh được kiểm soát ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi các địa phương luôn giữ sự thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp