Mặc dù được TCYTTG đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống y tế đạt hiệu quả cao nhất, các chuyên gia quản lý y tế vẫn chỉ ra những điểm yếu của hệ thống y tế Nhật Bản cần có giải pháp trong thời gian tới nếu không muốn trở thành gánh nặng về mặt tài chính và đe doạ tính bền vững của nó trong tương lai.

 

Mặc dù được TCYTTG đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống y tế đạt hiệu quả cao nhất, các chuyên gia quản lý y tế vẫn chỉ ra những điểm yếu của hệ thống y tế Nhật Bản cần có giải pháp trong thời gian tới nếu không muốn trở thành gánh nặng về mặt tài chính và đe doạ tính bền vững của nó trong tương lai.

Nhìn tổng thể, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có vẻ rất mạnh, đạt độ bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân ở mức rất cao nhờ vào chính sách BHYT bắt buộc, người dân Nhật Bản là một trong số những cư dân khỏe mạnh nhất thế giới, họ sống lâu hơn so với bất kỳ quốc gia nào. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp, đạt điểm số cao về các chỉ số sức khỏe cộng đồng trong khi chi tiêu cho y tế ít hơn so với các nước phát triển khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu về quản lý y tế đã chỉ ra rằng hệ thống y tế của Nhật Bản, giống như ở nhiều quốc gia khác, vẫn có nguy cơ cao về tính bền vững của nó. Đó là sự phân bố nguồn nhân lực bất hợp lý, nhất là bác sĩ, chưa đảm bảo được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người dân mà họ cần về cả thời gian và nơi cư trú. Chất lượng chăm sóc và các biện pháp kiểm soát chi phí y tế chưa được kiểm soát có thể phá vỡ tính hiệu quả của hệ thống y tế, trong khi nhu cầu chăm sóc y tế của người dân tiếp tục gia tăng. Hiện nay, tỷ lệ người dân béo phì và đái tháo đường tại Nhật Bản đang gia tăng và hệ thống y tế ngày càng căng thẳng hơn bởi dân số già hóa diễn ra nhanh chóng: hiện nay đã có 21% dân số Nhật Bản có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên, và dự báo đến năm 2050 là 40% dân số ở độ tuổi này. Mặt khác, những tiến bộ khoa học trong điều trị đang làm tăng chi phí chăm sóc.

Điểm đáng lo ngại hơn khi các chuyên gia nhận định hệ thống khám chữa bệnh của Nhật Bản đang “thiếu người gác cổng”. Người dân Nhật Bản có thể tìm đến bác sĩ ở bất kỳ cơ sở y tế nào, cả y tế cơ sở và bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối để được chăm sóc sức khoẻ và sẽ được BHYT chi trả. Trung bình, người Nhật đến các cơ sở khám chữa bệnh gần 14 lần/năm, cao gấp ba lần so với các nước phát triển khác. Hơn nữa, thời gian trung bình điều trị tại bệnh viện cho bệnh nhân nội trú dài gấp 2-3 lần so với các nước phát triển khác.

Mặt khác, hệ thống y tế Nhật Bản ít đặt quyền kiểm soát đối với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Bác sĩ có thể hành nghề ở bất cứ nơi nào mà họ chọn, và nhất là còn tồn tại hình thức chi trả theo phí dịch vụ. Không có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát việc mua sắm trang thiết bị y tế đắt tiền, hiện nay Nhật Bản có số lượng máy CT-Scan, MRI và PET/CT cao gấp 3-4 lần so với các nước phát triển khác. Ngoài ra, Nhật Bản cũng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với hệ thống các bệnh viện cả về số lượng và chất lượng, nhất là bệnh viện tư nhân, quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát cung và cầu trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng.

NGUỒN SỞ Y TẾ TP.HCM