A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGÀY LÀM VIỆC THỨ 2 - HỘI NGHỊ LẦN THỨ NHẤT CÁC QUAN CHỨC CAO CẤP APEC: Hướng đến nhiều quyết sách liên quan tới lao động di cư

Tại hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1), các ngày 18 - 19.2, nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực dịch chuyển lao động. Các nền kinh tế thành viên hướng đến xây dựng kênh thông tin chung về nhu cầu nhân lực, thị trường lao động và các biện pháp bảo hộ lao động di cư, đặc biệt xem xét công nhận bằng cấp, chứng chỉ ở các nền kinh tế thành viên là như nhau

Hướng đến chuẩn chung về trình độ, năng lực lao động

“Thứ nhất, nguồn tiền thu nhập được từ xuất khẩu lao động gửi về nước được sử dụng như thế nào. Thứ hai là sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài thì họ làm gì. Và cuối cùng tại sao tỉ lệ tham gia lao động nội địa thấp, phải xuất khẩu lao động?” - đó là ba câu hỏi lớn được TS. Leonardo Lanzona (mạng lưới Trung tâm Nghiên cứu APEC của Philippines) đặt ra tại phiên thảo luận ngày 19.2. Theo ông, để có thể hoạch định tốt chính sách và khung chuẩn đối với lao động di cư, các nền kinh tế thành viên cần tập trung giải quyết vấn đề nêu trên.

Trong khi đó, bà Phan Ngọc Mai Phương - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT) cho hay, vấn đề của VN là dự báo về cầu lao động, còn cung lao động cơ bản ổn. Vì vậy, bà Phương đã đề xuất các nền kinh tế chia sẻ các phương pháp luận dự báo nhân lực lao động, cũng như giải pháp về vấn đề này.

“Chiến lược phát triển nhân lực chúng ta đã có. Tuy vậy, nhu cầu lao động bây giờ rất khác, có nhiều ngành không cần nữa, có thể mất đi lao động, nhưng lại xuất hiện nhiều ngành nghề mới, cần nhiều lao động. Vì vậy, các nền kinh tế phải tăng cường thông tin về thị trường lao động của nước mình cho các nền kinh tế thành viên. Ví dụ như các nước có lao động già rất cần các lao động phổ thông giúp việc như ta, hay các nước có lao động dịch vụ tay nghề cao có thể dịch chuyển sang ta” - bà Phương nói và cho hay các nền kinh tế tham dự hội thảo đang đánh giá hiện trạng, hướng đến chuẩn hóa thông tin về thị trường lao động chung, đặc biệt là xem xét công nhận bằng kỹ sư, chứng chỉ hành nghề trong khu vực như nhau.

“Việc tăng cường cung cấp thông tin về thực tế lao động cho nhau thì các bên mới biết mình thiếu, thừa lao động loại gì để lao động các nền kinh tế này “chảy” qua lại. Nếu chúng ta ngần ngại khai báo thông tin thì không thể vận hành bền vững được nhu cầu lao động. Điều này yêu cầu doanh nghiệp cần tăng cường khai báo về lao động” - bà Phương cho hay.

Tạo môi trường lao động di chuyển thông thoáng

Các nền kinh tế thành viên hướng đến thống nhất hình thức và biện pháp bảo hộ lao động, tránh xảy ra tình trạng thua thiệt về chế độ khi xuất khẩu lao động tại các nước. Ông Nilim Baruah - chuyên gia cấp cao về vấn đề lao động di cư của Tổ chức Lao động quốc tế ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các nền kinh tế thành viên đang hướng đến thống nhất visa APEC, cho phép những doanh nghiệp di chuyển trong khu vực được dễ dàng hơn. Trong khung dịch chuyển lao động của APEC cũng đề cập đến vấn đề làm sao nâng cao tay nghề và bảo vệ tốt người lao động đi làm việc trong các nước trong khu vực.

Theo ông Nilim Baruah, lao động dịch chuyển của Việt Nam đến chủ yếu các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... có 3 cấp độ tay nghề là lao động có tay nghề cao, tay nghề trung bình và thấp. Lao động Việt Nam thì chủ yếu là tay nghề thấp nhưng các nước đều có nhu cầu với ba loại lao động này chứ không “chê” loại nào, đặc biệt lao động Việt Nam đang dịch chuyển trong lĩnh vực điều dưỡng.

Ông Nilim Baruah cho rằng, hệ thống giáo dục của VN phải làm thế nào để đào tạo được người lao động đáp ứng được kỹ năng công việc trong nước trước và có nhu cầu, họ cũng có thể tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Trong khi đó, PGS-TS Mạc Văn Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LĐTBXH) - đặt vấn đề: “Người Australia, Canada làm bất cứ đâu cũng làm được. Khung trình độ của họ mang tính toàn cầu, chứng chỉ được thế giới công nhận. Trong khi đó, người Nhật dân số già nên họ phải làm việc quần quật. Họ cần lao động, nhưng khắt khe. Tiếc rằng, trung bình khoảng 100.000 lao động/năm xuất khẩu sang các nước, số lao động có tay nghề của VN chỉ đạt 30%. Vì vậy, Việt Nam cũng cần hướng đến lao động có kỹ năng nghề, nhất là họ phải thích ứng được với công việc khi công nghệ thay đổi, làm sao để các nước công nhận mình tương tự như vậy. Đặc biệt hơn, hạn chế di cư bất hợp pháp, vì đã lao động chui là dễ bị chủ bóc lột, cơ quan chức năng khó có thông tin để có biện pháp bảo vệ kịp thời khi xảy ra sự cố”.

Tác giả: Nhiệt Băng - Nguồn: Laodong.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Lịch làm việc

<<

Từ 23/12 đến 29/12

>>

Không có dữ liệu
Liên kết website
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 0