Lương cơ sở sẽ tăng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng: Phải giảm biên chế, giảm chi tiêu công
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính QG 2016 - 2020, trong đó nêu rõ mục tiêu tăng lương cơ sở khoảng 7%/năm cho các đối tượng công chức, viên chức, người có công và người hưởng lương hưu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ công tăng cao, ngân sách hụt thu thì cần những biện pháp quyết liệt như giảm biên chế, giảm chi tiêu công… để đảm bảo lộ trình tăng lương cơ sở như nghị quyết nêu.
Theo nghị quyết trên thì, mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng sẽ tăng thành 1,3 triệu đồng/tháng ( tăng khoảng 90.000 đồng/tháng). Bà Nguyễn Thị Loan - Phó Văn phòng LĐLĐ tỉnh Bắc Cạn - cho rằng: “Như tôi với lương hệ số 3,99, cộng 30% mức thu hút đối với CB, CC khối đảng, đoàn thể, 25% phụ cấp CC nữa nên mỗi tháng được nhận gần 7 triệu đồng. Nếu tăng lương cơ sở 7%, mỗi tháng tôi có thêm khoảng 300.000 đồng.
Theo tôi, CBCCVC đã hưởng lương thì phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Như ở cơ quan tôi, chúng tôi đã làm việc tận tụy, đảm bảo giờ giấc, hiệu quả công việc và vẫn còn có nhu cầu tăng biên chế để thực hiện tốt công việc. Việc giảm biên chế cũng phải tùy chỗ, không nên cứng nhắc. Tuy nhiên, nhìn rộng ra cả nước thì thấy có chỗ CB thì đông, nhân viên, chuyên viên thì ít, nên cần xem xét tinh gọn lại bộ máy quản lý, nhất là với những nơi có quá nhiều cấp phó. Làm được điều đó, Nhà nước cũng có thêm kinh phí để tăng lương cơ sở cho cán bộ, công nhân viên chức”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phượng - giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội) - nói: “Lương tôi hiện nay hệ số 3,33, bậc 4, phụ cấp 30% đứng lớp nữa, tính tổng ra được 5 triệu đồng. Nếu Nhà nước tăng lương cơ sở 7%, tôi cũng sẽ có thêm vài trăm ngàn đồng/tháng. Nhà nước tăng lương cơ sở đòi hỏi tăng thêm kinh phí trả lương nên phải nghĩ đến việc giảm biên chế.
Hiện nay, có nhiều CBCCVC làm việc tâm huyết, có nhiều sáng kiến, sáng tạo mang lại hiệu quả cao thì cần phải tăng lương cho họ đủ sống. Như tôi hiện nay (giáo viên có bằng sáng kiến, sáng tạo thủ đô năm 2016 - P.V), lương chỉ mới giúp bản thân đủ sống ở mức tối thiểu, chưa đủ để có thể nuôi được con. Nhiều người khác cũng như thế. Trong khi đó, trên thực tế cũng có nhiều CB CCVC làm việc kém hiệu quả nên nếu họ nằm trong số giảm biên chế cũng là hợp lý.
Quỹ lương sẽ “phình” gần 20.000 tỉ đồng/năm, lấy đâu ra?
Theo con số thống kê từ Chính phủ, hiện trên toàn quốc có khoảng 8 triệu đối tượng là công chức, viên chức, cán bộ cấp xã hưởng phụ cấp từ ngân sách người hưởng lương hưu. Với mức tăng 7% lương cơ sở như yêu cầu của Quốc hội thì quỹ lương sẽ phình ra khoảng 20.000 tỉ đồng/năm (tương ứng với 200.000đ tăng thêm/người/tháng) tạo ra gánh nặng cực lớn lên ngân sách.
Tuy nhiên ông Hải cho rằng, giải pháp và đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương. “Việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc; cũng như phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương...” - ông Hải nói.Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi giữa tháng 10.2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về chi thường xuyên, Ủy ban TCNS nhất trí với những giải pháp tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, song để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Chính phủ chỉ rõ tiết kiệm ở những lĩnh vực chi, khoản chi, mục chi nào. Về bố trí điều chỉnh tiền lương cơ sở, ông Hải nhấn mạnh, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn thì đề xuất tăng mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng một tháng (tương đương tăng 7%) là hợp lý.
Bà Phạm Thanh Xuân (Ban Tuyên giáo, LĐLĐ tỉnh Yên Bái) nói: “Tôi cho rằng tăng lương đồng nghĩa là sẽ tăng “áp lực” trong công việc. Bởi lương tăng thì ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng, lúc này để đảm bảo nguồn chi thì có thể phải cắt giảm biên chế, do đó trách nhiệm của người cán bộ công chức, viên chức cũng phải tăng theo. Đối với bản thân tôi cũng phải thay đổi, năng động hơn trong công tác, tìm tòi học hỏi để nâng cao kiến thức để có thể đáp ứng được nhiệm vụ được giao”.
Bên cạnh đòi hỏi phải tinh giản biên chế quyết liệt, còn nhiều giải pháp khác cần phải đồng bộ. Theo Bộ Tài chính, với số lượng biên chế quá lớn trong khi ngân sách eo hẹp, giải pháp trước mắt được Bộ Tài chính đưa ra là các cơ quan, ban ngành buộc phải tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, đặc biệt các khoản chi mua sắm xe công, đi nước ngoài, hội họp, khánh tiết…
Nằm trong đề án tổng thể về tiết giảm chi tiêu công, đầu tháng 11.2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, trong đó nhấn mạnh vào việc thực hiện tiết giảm tối đa chi phí ngân sách đối với các hoạt động về đưa đón, trang thiết bị, trụ sở làm việc thông qua cơ chế khoán hoặc cắt giảm bớt các định mức đối với các bộ ngành, địa phương.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu các bộ ngành có thể giảm khoảng từ 30 - 50% số lượng xe ôtô công, ngân sách sẽ tiết giảm được hàng nghìn tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn chi phí (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…) vào khoảng 320 triệu đồng/năm trong khi lượng xe công hiện đang có khoảng 40.000 xe. Nếu cắt giảm được 30 - 50% số xe công nói trên, chỉ riêng chi phí nuôi xe cũng có thể tiết giảm từ 3.800 - 6.400 tỉ đồng.
Việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công cũng là yêu cầu từ phía Quốc hội trong nỗ lực điều chỉnh lương cơ sở giảm áp lực cho đời sống của lực lượng công chức, viên chức, người có công và người hưởng lương hưu hiện nay.
Tác giả: Phạm Duẩn - Nguồn: Báo Lao động