Mẹo hay giúp bé đi mẫu giáo
Ở độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo (từ 15-16 tháng đến 3-4 tuổi) trẻ vẫn chưa biểu lộ được cảm xúc của mình bằng lời nói nên những sợ hãi, lo lắng sẽ được trẻ bộc lộ qua những hành động, thái độ để phản kháng.
Đối mặt với nhiều cái mới
Chị Đàm Huyền (Đắk Lắk) có cậu con trai tên Hữu Nghĩa 5 tuổi. Do có ông ngoại trông cháu nên đến khi con 4 tuổi chị mới cho đi học ở nhà trẻ. Cu Nghĩa lúc ở nhà rất hiếu động, nghịch ngợm nhưng lại rất sợ đến lớp. Đi nhà trẻ được 1 tuần thì Nghĩa trở nên lầm lì, ít nói, ngủ li bì, thỉnh thoảng lại hay mè nheo mẹ đòi quà vặt. Chị Huyền nói chuyện với cô giáo mới biết Nghĩa đi học chỉ ngồi một mình, không chơi với các bạn, bị bạn cùng lớp giành chơi đồ chơi. Buổi trưa Nghĩa cũng ăn ít và không chịu ngủ, thỉnh thoảng lại khóc thét lên. Cô giáo dạy chữ, ra trò chơi, Nghĩa cũng rất ít tham gia.
Theo Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM: Từ lúc nhỏ, trẻ đã quen với sinh hoạt ở nhà từ đồ dùng, người thân. Khi đến trường, phải đối mặt với thay đổi về không gian, nếp sinh hoạt, làm quen với thầy cô, bạn bè mới, bé sẽ có những thay đồi về tâm lý, tính cách như một phản ứng để thích nghi với môi trường mới.
Tâm lý thường thấy ở các trẻ mới bắt đầu đi học là dễ bị ức chế, sợ hãi, hay khóc vì bị ép vào khuôn phép, phải ăn uống, nghỉ ngơi theo thời khóa biểu. Bên cạnh đó, bé không được chăm sóc kỹ như ở nhà, mọi nhu cầu của bé không được đáp ứng ngay khi mong muốn nên bé sẽ có cảm giác như bị bỏ rơi.
Mặt khác, khi tiếp xúc với thầy cô giáo, một người hoàn toàn mới, khiến bé cảm thấy lo lắng, bất an như sợ bị bỏ đói, sợ bị cô phạt, sợ ngồi một mình… dẫn đến việc bé sẽ chống đối, phản kháng, khóc nhè. Mối quan hệ với bạn bè cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Nếu bé hòa đồng vui vẻ sẽ giúp hình thành tính cách tốt cho trẻ. Ngược lại, nếu trẻ nghịch ngợm, hay chọc phá bạn dễ hình thành nên thói quen xấu.
Tâm lý chống đối
Con sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn khi đã hòa đồng với các bạn
Với những thay đổi mới sẽ cho bé cảm giác như bị tước đoạt đi những quyền lợi riêng, điều này sẽ dẫn tới bé ghét đi học, ghét thầy cô, trường lớp. Những sợ hãi này sẽ khiến trẻ có tâm lý phản kháng.
Theo Thạc sĩ Kiều Thanh Hà, thông thường bé trong thời gian đầu đến lớp sẽ dễ có những biểu hiện:
1. Bé hư hơn: Vì dồn nén, kiềm chế nhiều thói quen khi ở trường nên về nhà bé mè nheo, vòi vĩnh, thậm chí đánh bố mẹ khi tức giận.
2. Biếng ăn, đau bụng, nôn, ói là tình trạng chung của nhiều bé những ngày đầu đi học… dù đi khám lâm sàng bé không bị bệnh gì cả. Nguyên nhân là do tâm lý bị ức chế nên bé mới “cảm thấy” đau.
3. Đái dầm: Ở trường, bé có tâm lý sợ hãi, chống đỡ nên khi về nhà, tâm trạng đó cũng tiếp tục đeo đuổi khiến bé sợ và đái dầm.
4. Mệt mỏi và lừ đừ: Do bé chưa thích nghi được với những thay đổi và do sự căng thẳng trong thời gian đầu đi học.
Thời điểm này, tính cách của bé cũng có sự thay đổi mạnh về ứng xử, học tập. Vì vậy, nếu không được quan tâm tốt, trẻ dễ bị stress và hình thành nên những tính cách tiêu cực trong tương lai.
Sự hỗ trợ của mẹ và cô
Thầy cô và gia đình cần hỗ trợ tối đa cho bé trong giai đoạn đầu bé đến lớp
Thạc sĩ Thanh Hà chia sẻ, tâm lý kể trên của bé là phản ứng bình thường, sẽ hết khi trẻ quen trường lớp. Để làm được điều này cần có sự hỗ trợ của gia đình và thầy cô:
1. Thầy cô: Nên có kinh nghiệm và khả năng sư phạm mầm non phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của các bé. Hiểu được những nhu cầu, thay đổi tâm lý của trẻ.
2. Phụ huynh: Khi thấy bé hay khóc nhè, sụt cân… không nên cho con nghỉ học mà phải động viên, khuyến khích bé đi học. Không nên đổi trường, đổi thầy cô sẽ tạo thêm áp lực cho trẻ.
Khi ở nhà, nên tạo cho bé những thói quen như ở trường để bé thích nghi. Quan tâm đến bé nhiều hơn, khi bé đi học về, giúp bé yên tâm là chúng vẫn được yêu thương nhằm giải tỏa căng thẳng cho bé.
Giúp bé thích đi học Để bé thích thú với việc đi học thì trước khi đến tuổi đi mẫu giáo, bạn nên cho bé làm quen với các đồ chơi, các chữ cái để bé không cảm thấy bỡ ngỡ khi bắt đầu đi học. Bạn có thể gửi bé sớm ở các lớp mẫu giáo nhỏ để bé làm quen với môi trường lớp học. Bạn nên ở cùng bé để bé không có cảm giác bị bỏ rơi, không được quan tâm. Dần dần, để bé tự do chơi với các bạn cùng lớp. Kể cho bé nghe về lớp học, những trò chơi, bạn bè, những đồ vật ngộ nghĩnh... để tạo tính tò mò và thích khám phá của bé. Trong thời gian đầu bé mới đi học, bạn đừng vội giao bé ngay cho cô giáo mà nên dẫn bé vào lớp, phụ cô cho bé ăn, chơi cùng bé một số trò để bé quen với lớp học. Hứa với bé nếu đi học ngoan, không khóc nhè sẽ tặng đồ chơi, quần áo hay được dẫn đi chơi thảo cầm viên, công viên... Bạn không nên đe dọa, la mắng ép bé phải thích nghi ngay, vì bé cần có thời gian để làm quen. |