Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An toàn thực phẩm: Nâng cao hiệu quả quản lý

Thời gian qua, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập cũng như các vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có các biện pháp mạnh mẽ, sát thực tế hơn nữa. 

Thực hiện đồng bộ

Sau 1 năm triển khai Kế hoạch 119/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về khắc phục hạn chế yếu kém, đổi mới, nâng cao hiệu quả ATTP trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đã tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành". Hiện tại, UBND các quận đã cấp biển nhận diện cho 712 cửa hàng đạt yêu cầu của đề án, chiếm 85,7% tổng số cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận... Sở Công Thương còn kết nối, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực phẩm đưa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng, với 48 chuỗi tiêu thụ rau an toàn theo liên kết dọc.

nang cao hieu qua quan ly
Hà Nội triển khai các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hình thành 80 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể (gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Tây Sơn, vịt Vân Đình, trứng Liên Châu) và 13 nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có 1 nhãn hiệu được chứng nhận.

Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể 961 lượt, phát hiện 162 cơ sở vi phạm. Sở Y tế đã lấy 1.258 mẫu thực phẩm làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh, đạt 1.090 mẫu/1.258 mẫu (đạt 86,6%)…

Đánh giá kết quả đạt được sau 1 năm triển khai, ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội - cho hay: Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý về ATTP, cùng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm… đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về ATTP.

Vẫn còn bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được theo đánh giá của ông Trần Ngọc Tụ, công tác ATTP trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do một số văn bản chưa đồng nhất, việc ký cam kết ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh do tuyến xã quản lý gặp nhiều khó khăn bởi đa số chưa đáp ứng được các tiêu chí ATTP. Bên cạnh đó, còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm...

Liên quan đến vấn đề kiểm tra, xử lý ATTP, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội - cho biết, hiện vẫn đang còn những bất cập gây khó khăn trong việc thực thi. Cụ thể, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng có đưa ra hình thức xử lý tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa lại không quy định về tịch thu, tiêu hủy.

Ngoài ra, lượng xe kiểm nghiệm nhanh quá ít, trong khi kiểm tra ATTP là công việc hàng ngày. Do đó, ông Nguyễn Đắc Lộc kiến nghị, cần tăng cường xe kiểm nghiệm nhanh để có thể kịp thời đáp ứng công việc kiểm tra xử lý, nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm tra ATTP.

Hiện, 50 - 60% thực phẩm được bày bán ở các chợ dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP rất cao. Do đó, theo các chuyên gia, sự vào cuộc của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết