Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuối năm, doanh nghiệp xuất khẩu: Kỳ vọng lượng và chất

Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) đặt kỳ vọng tăng kim ngạch các mặt hàng như gạo, thủy sản, nông - lâm - sản, dệt may, da giày trong mùa kinh doanh cuối năm.

cuoi nam doanh nghiep xuat khau ky vong luong va chat

DN xuất khẩu gỗ tích cực sản xuất đáp ứng đơn hàng

Nhiều tín hiệu khả quan

Tháng 9/2018, các DN XK gạo đón nhận nhiều tin vui. Đơn cử, Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000 - 800.000 tấn gạo bổ sung kho dự trữ cạn kiệt và ổn định giá gạo trong nước. Thị trường các nước khác như Indonesia, châu Phi... cũng có nhu cầu nhập khẩu ở những tháng cuối năm nhằm đối phó với tình hình sản xuất suy giảm do thiên tai. Bên cạnh đó, với việc Chính phủ thông qua Nghị định 107/2018 mới về XK gạo đã thổi luồng “sinh khí” mới cho DN sản xuất lúa gạo trong nước; các quy định về kho chứa, cơ sở xay xát, thủ tục hải quan... cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Theo ông Trương Thanh Phong - cố vấn Tập đoàn Golden Resources Development International. Ltd. H.K, cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đến thị trường tiềm năng như Trung Quốc, châu Âu, châu Phi, Iraq... sẽ nhiều hơn. Do có lợi thế về giá khi giảm được chi phí XK, DN XK gạo trong nước sẽ cạnh tranh tốt với những đối thủ Ấn Độ, Thái Lan ở một số thị trường.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho biết, do nhu cầu và giá tăng, hiện nay, XK cá tra đạt trung bình 200 triệu USD/tháng, tăng khoảng 50 triệu USD/tháng so với mọi năm. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ giá trị XK từ 15,6 - 50% ở các thị trường chính mở rộng..., DN kỳ vọng, giá trị XK cá tra năm 2018 vượt mức 2 tỷ USD, tăng trưởng trên 12% so với năm 2017.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị XK lâm sản 9 tháng đầu năm 2018 đạt 6,64 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ tính riêng 5 thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt 5,17 tỷ USD, chiếm khoảng 86,72% kim ngạch XK lâm sản. Dự kiến, XK lâm sản cả năm đạt 9 tỷ USD.

Với ngành hàng dệt may, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh (Agteck) - cho biết, đơn hàng của các DN trong ngành rất khả quan. Hầu hết DN đều đã có đơn hàng đến hết năm và đang trong giai đoạn gấp rút sản xuất để giao hàng đúng hạn cho đối tác.

Tạo nền tảng xuất khẩu bền vững

Theo Tiến sĩ Paul S. Valle - chuyên gia ngành thủy sản tại Na Uy - khu vực Nam Mỹ có mức tăng trưởng nhanh nhất; trong đó, Mexico, Brazil, Colombia là những thị trường khả quan cho cá tra Việt Nam. DN XK thủy sản Việt Nam cần xây dựng chiến lược tiếp thị, truyền thông sản phẩm ngay từ đầu để tiếp cận khách hàng tốt hơn dựa trên 2000 thị hiếu, mức độ quan tâm của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific - cho biết, công ty đang tập trung xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững và hợp pháp nhằm giảm nhập khẩu gỗ, đáp ứng yêu cầu khắt khe trong việc kiểm tra nguồn gốc gỗ, bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời tạo nền tảng cho việc XK bền vững.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ tập trung XK thô, các DN cũng nỗ lực đầu tư XK sản phẩm qua chế biến sâu, xây dựng thương hiệu. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức, DN tăng cơ hội hợp tác và XK trực tiếp sản phẩm thương hiệu Việt với đối tác nước ngoài. Tại thị trường nội địa, sản phẩm Việt cũng được hỗ trợ XK gián tiếp thông qua hệ thống phân phối ngoại. Đây được xem là giải pháp an toàn, phù hợp với đa số DN nội vốn đang bị hạn chế năng lực XK trực tiếp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết